Hai tiếng rưỡi cuốn hút của vở kịch về Tả quân Lê Văn Duyệt
Lăng Ông Bà Chiểu thờ Đức Ông Lê Văn Duyệt là một minh chứng cho tấm lòng người dân Sài Gòn – Gia Định đối với vị khai quốc công thần. Lê Văn Duyệt luôn là nguồn cảm hứng nghệ thuật để mỗi người dân TP.HCM hôm nay nhớ lại lịch sử, ghi thấm ơn người.
Đó cũng là lý do để Nhà hát IDECAF cho ra mắt vở kịch sử Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Duẩn). Vở sẽ công diễn hằng tuần từ ngày 10.4.
Tái hiện một thời kỳ lịch sử
Vở kịch đã tái hiện chân thực một thời kỳ lịch sử mà Lê Văn Duyệt gắn bó với đất Gia Định, một cuộc chiến chống tiêu cực mà Lê Văn Duyệt mạnh mẽ lao vào không sợ “vùng cấm”.
Lúc vua Gia Long lập quốc, Lê Văn Duyệt là cánh tay đắc lực của vua, đã xông pha trận mạc giúp vua lên ngôi. Khi chiến tranh kết thúc, ông lại giữ chức Tổng trấn thành Gia Định giúp dân sống bình yên và thịnh vượng, chưa kể giúp cả vua Chân Lạp khỏi sự quấy nhiễu của quân Xiêm La. Ông được dân kính trọng và vô cùng yêu mến. Gia Long mất, Minh Mạng lên nối ngôi đã rút Lê Văn Duyệt về Phú Xuân phò tá tân vương, một phần cũng là hãm bớt thế lực của ông vì sợ “con hổ đất phương Nam” sẽ đe dọa ngai vàng.
Nhưng khi vắng Lê Văn Duyệt, thành Gia Định trở nên bất an, trộm cướp lộng hành, quan lại thì đàn áp, bóc lột dân chúng, người dân lại đệ đơn xin vua cho Lê Văn Duyệt trở về như xưa. Vua Minh Mạng đành chấp thuận cho Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn lần nữa, bên cạnh đó ra lệnh ngầm cho Phó trấn Huỳnh Công Lý theo dõi và kiềm bớt thế lực của Lê Văn Duyệt. Huỳnh Công Lý là cha của Huệ phi – người đang được vua sủng ái, cũng là kẻ tham tàn, hà hiếp dân đen, ăn cắp của công, bòn rút đồ cứu tế, đại diện cho bọn sâu dân mọt nước.
Tả quân Lê Văn Duyệt đã trừng trị thẳng tay, xử tử Huỳnh Công Lý trước khi vua kịp ban chiếu chỉ. Vua Minh Mạng căm tức vì Lê Văn Duyệt dám “qua mặt” mình, nhưng chưa vội bắt tội bởi còn cần ông trị an Gia Định. Sau khi Lê Văn Duyệt qua đời, vua mới ban 9 án tử và truyền xích mộ ông lại. Dù vậy, người dân đã tôn thờ, lập lăng, tưởng niệm ông. Trong vở có câu thoại đắt giá: “Pháp luật là ngọn roi nhỏ chỉ đánh vào tay chân chứ không dám đánh vào đầu. Nhưng với ta, ta đánh từ đầu đánh xuống”.
Xát muối vào lòng
Vở dựng theo phong cách chính kịch nên mạnh mẽ, uy vũ, nghiêm túc, đúng là bài học sử rất cần thiết cho lớp trẻ. Bên cạnh đó cũng có những nét mềm mại ẩn trong từng lời ca, điệu múa, tâm sự của nhân vật, khiến khán giả xem 2 tiếng rưỡi đồng hồ vẫn thú vị, cuốn hút như học được bài sử hấp dẫn, dễ nhớ. Thiết kế sân khấu hoành tráng nhưng lại giản dị, và chính nhờ sự không rườm rà ấy mà nổi bật lên những trang phục tuyệt đẹp.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cả năm trước đã lặn lội ra Huế nghiên cứu trang phục, nhờ các nhóm văn hóa tư vấn, cung cấp tư liệu, và nhà thiết kế Ngọc Tuấn đã công phu sáng tạo ra mấy chục bộ trang phục nhà Nguyễn vừa chính xác về kiểu dáng, hoa văn, cũng vừa có cách điệu rất đẹp. Âm nhạc khiến người xem xao xuyến vì mang âm hưởng nhạc lễ, hát bội, cộng với vài điệu lý miền Nam gợi nhớ vùng đất Gia Định xưa.
Dàn nghệ sĩ của IDECAF thật xuất sắc, chọn đúng người đúng vai, diễn chuẩn mực. Đình Toàn vai Lê Văn Duyệt trông khá giống bức chân dung của Đức Ông, diễn ra thần thái của Đức Tả quân, vừa kiên định vừa ngọt ngào. Ngọt ngào với người bạn Trương Tấn Bửu (Quốc Thịnh) cùng chí hướng thương dân, cùng lăn lóc sa trường; với người vợ tuy không chăn gối nhưng đã thành tri âm tri kỷ. Nghệ sĩ Hoàng Trinh vai bà Đỗ Thị Phận đẹp và sang trọng trong từng cử chỉ, lời nói, đúng cốt cách trâm anh, gia giáo. Và Đại Nghĩa đã gây bất ngờ khi vào vai Huỳnh Công Lý. Anh thoát khỏi những vai hài quen thuộc, diễn rất giỏi, thể hiện một nhân vật phản diện nặng ký.
Không thể không nhắc đến Quang Thảo, một điểm nhấn không thua kém Đình Toàn. Trong vai vua Minh Mạng, Quang Thảo làm khán giả vừa lòng vì gương mặt sáng trưng đúng nghĩa chân mệnh thiên tử, vừa sâu sắc, bí ẩn, che giấu những chiêu trò của chính trị. Lê Văn Duyệt không chỉ đấu với Huỳnh Công Lý, với nạn tham nhũng, hành dân, mà còn đấu với vua, với cả một thể chế đã tạo ra những con sâu mọt đó. Minh Mạng đại diện cho thể chế ấy, và bi kịch của Lê Văn Duyệt là bi kịch của người tài, người dũng. Từng câu thoại như xát muối vào lòng khán giả, để lại bao suy nghĩ sâu sắc: “Vua cần ta nhưng không tin ta”, “Hãy để Lê Văn Duyệt lăn mình trong lửa đạn binh đao, còn Huỳnh Công Lý thì cứ ung dung ngồi hưởng lộc”, “Trận chiến này còn gian nan hơn xông pha nơi lằn tên mũi đạn”… Có lẽ đây cũng là những lời cảnh báo ngàn đời.
Hoàng Kim